Thường thì người ta… Những đứa con của tự do phần 1.

Thường thì người ta sẽ cảm nhận 1 cuốn sách sau khi gấp nó lại, đánh giá một cách trọn vẹn về cốt truyện, cách hành văn của tác giả, những nhân vật cũng như việc xây dựng hình tượng… Thường thì là như thế, nhưng bản thân tôi cứ thúc ép mình phải review ngay về ” Những đứa con của tự do”. Cảm giác như có cái gì đó thúc ép khiến tôi phải viết ngay, mặc dù mới đọc xong phần 1. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới có thời gian thẩn thơ đọc sách, dưới cái ánh đèn cao áp phố Bảo Khánh, giữa cái không gian nhộn nhịp của phố phường hiện đại của xe cộ, của những bản nhạc house rẻ tiền nhan nhản khắp các bar Hà Nội, giữa tiếng nói eo éo vọng lại từ GC… quả là không tao nhã chút nào.

Những đứa con của tự do là 1 cuốn sách tôi mượn được từ 1 cô gái mà tôi đánh giá là có gu thẩm mĩ, biết thưởng thức và sáng tạo. Và lần này tôi cũng không phải thất vọng khi ngay từ những trang viết đầu tiên, Marc Levy đã cho thấy mặc dù cố tình cho thêm những chi tiết lãng mạn 3 xu nhưng cái khung cảnh ngôi nhà vườn với cầu thang quét bằng sáp ong, với những đứa trẻ đẹp như thiên thần là 1 tương lai tươi sáng cho cái quá khứ kinh hoàng của nước Pháp sau khi bị Đức Quốc xã chiếm đoạt. Ai cũng có quyền được mơ ước tới những điều hạnh phúc, tới cuộc sống êm đềm, nhất là những người chiến đấu cho tự do.

Nhân vật kể chuyện là 1 chàng trai, tôi sẽ không ra vớ quyển truyện để xem tên thật của anh ta chỉ để cho bài viết có thêm kiến thức, chỉ biết rằng những người đồng đội gọi anh bằng bí danh Jeannot. Các bạn có lẽ cũng chỉ cần biết đến vậy, cũng có thể là tôi không để ý cho lắm, nhưng hãy quên đi và hãy chú ý rằng gia đình anh ta bị gắn sao vàng sau khi Đức quốc xã chiếm đóng nước Pháp dưới sự mở cửa hèn nhát của thống chế Petain. Nếu ai đã từng xem Bản danh sách của Schindler ( The Schindler’s List ) sẽ biết rằng những người bị gắn sao vàng sẽ phải vào các trại tập trung, sẽ nếm mùi tra tấn, nhục hình, bị cho đi tắm tập thể… và 1 số rất ít thoát được cái chết. Chính vì thế cộng đồng những người Do Thái rất tôn sùng Schindler, người cho họ việc làm và đồng thời cứu sống rất nhiều người Do Thái qua Đệ nhị Thế Chiến.

Jeannot gia nhập hàng ngũ những người kháng chiến cùng với em trai, một cậu bé còn ham ăn ham ngủ nhưng tinh thần đấu tranh luôn hừng hực, thậm chí còn nhiệt huyết hơn cả người anh của mình. 2 anh em vượt qua bài test ăn cắp xe đạp, gia nhập đội, tham gia phá hủy những công trình phục vụ chiến tranh, tham gia tiêu diệt rất nhiều tên lính Đức, thậm chí là cả thẩm phán Lesspinasse, gây ra nỗi hoang mang khiếp sợ cho bọn lính Đức và chính quyền bù nhìn lúc bấy giờ. Từ sau vụ Marcel bị tử hình, cứ mỗi lần 1 chiến sĩ bị bắt và bị kết án tử, những người kháng chiến lại tổ chức ám sát những sĩ quan chỉ huy cấp cao của SS và những kẻ cầm đầu đám Dân binh bù nhìn tay sai hay chó săn cho bọn Quốc xã. Kết quả là đến khi 1 thủ lĩnh khác là Boris bị bắt, các quan tòa đều trốn tránh và chỉ dám xử 20 năm tù cho 1 kẻ xông thẳng vào trụ sở biến đám lính canh thành trò hề và bắn chết chỉ huy .

Đánh gục họ dần dần không phải là súng đạn đàn áp mà lại là nỗi cô đơn. Họ khao khát khi nhìn thấy những cô gái trong đội kháng chiến – những cô gái mà họ bị cấm yêu. “Tất cả vì lí do an toàn khi các bạn hoạt động bất hợp pháp” là lời giải thích của Jacques, anh chàng làm vườn trồng những luống rau ngon nhất, người làm ra món trứng tráng tuyệt hảo, kẻ chuyên chế tạo bom mìn có chất giọng 1 tẹo Ba Lan, 1 tẹo Do Thái ngữ, 1 ít tiếng Tây Ban Nha trên nền âm sắc Pháp. anh ta là kẻ nhiều kinh nghiệm nhất đội, được coi như một người anh cả, luôn đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các em mặc dù nhiều lúc hắn nói chuyện thật khó nghe. Không phải vì quá thẳng quá thật mà là vì hãy thử tưởng tượng 1 gã Tây ba lô sang Việt Nam mang theo khẩu ngữ vùng Ceskoslovaský với những âm tr, âm s, âm r dài hàng cây số pha trộn với chút ít âm sắc lơ lớ vùng Marseille mà nói chuyện với bạn bằng thứ Tiếng Anh bồi tệ hại… thực sự là khó nghe mà.

Kết thúc phần 1, 2 anh em và cả Jacques đều bị bắt và đưa vào nhà ngục. Tất cả đều bị lộ ra từ một sai lầm rất nhỏ. Kháng chiến giao cho Claude việc đi cướp 1 bọc tiền để tiếp viện cho các cơ sở. Claude với bản tính bốc đồng và trẻ con, không muốn đánh gục cô thủ thư ( mà thực ra là bà thủ thư nặng gần 1 tạ ). Tôi hơi bất đồng quan điểm với Marc Levy ở đoạn này khi ông châm biếm những người phụ nữ béo phì, dù sao thì họ cũng là phụ nữ và tôi biết hậu quả của nói với 1 ngừoi phụ nữ rằng họ béo nó nghiêm trọng đến thế nào, ông bạn nhà văn ạ. Và hành động đó của Claude đã bị 1 tạ nữ tính – kẻ đáng ra phải bị đánh gục – hô hoán lên và may thay ở đó lại có 1 gã cảnh sát đi xe máy. Claude bị tóm, bị tra tấn, bị đến nhà lục soát, tìm thấy quả lựu đạn giấu trên nóc lò sưởi và thư từ và tất nhiên không lâu sau đó Jeannot và Jacques bị bắt nốt.

Nhiều khi phải biết bỏ qua 1 chút sĩ diện, hèn đi 1 tí, bịt mắt che tai đi 1 tí thì mới làm Cách Mạng được.

To be Còn tí nữa

Chuẩn bị sống

Non sông dễ đổi bản tính khó dời. Những thứ mang tính chất tiềm thức hay lối mòn tư duy thường rất khó thay đổi. Có những lối mòn tư duy được thể hiện ra và được gìn giữ qua thời gian trở thành phong tục, tập quán và tất nhiên có những thứ được lưu truyền qua ngàn đời nhưng cũng không hẳn là tốt, mặc dù nghe qua thì có vẻ rất là hay nhưng nếu đứng trên 1 góc độ khác chưa hẳn là đã phù hợp với ngày nay.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin nói đến tập quán tiết kiệm. Vốn là kẻ ít chữ, rất mong nhận được góp ý.

Tiết kiệm là 1 đức tính. Tiết kiệm là việc hạn chế các hao phí không cần thiết. Tuy nhiên nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn thì tiết kiệm còn là hành động dành dụm của cải vật chất nhằm những mục đích khác nhau, thường là việc phòng khi đau ốm và thừa kế cho đời sau. Nếu người dân biết vận dụng nghĩa thứ nhất và bớt coi trọng việc tích cóp thì có lẽ bức tranh Việt Nam trong vòng 20 năm tới sẽ rất khác.

Tích cóp tài sản để đề phòng lúc ốm đau bệnh tật hay truyền cho con cho cháu không hề đáng phê phán tuy nhiên nếu phân tích các mặt lợi và hại thì theo quan điểm cá nhân là lợi bất cập hại.

Điểm lợi đầu tiên là khi có sự cố bất ngờ xảy ra luôn có 1 lượng tiền dự trữ để có thể chi dùng ngay lập tức. Ở các quốc gia khác người ta không phải dành dụm là do chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và các dịch vụ phúc lợi xã hội. Tất nhiên là cũng nên nhìn lại cái gọi là dịch vụ ở Việt Nam. Ở Việt Nam bạn muốn có dịch vụ, hãy chuẩn bị rất nhiều tiền và đến với những nơi do nước ngoài xây dựng và quản lý. Sad but true! Chính vì thế dân Việt luôn phải lo lắng đến lúc bệnh tật sẽ lấy đâu ra tiền chữa trị. Điểm lợi thứ 2 là con cái quý vị sẽ có 1 căn nhà đâu đó ở Thủ đô, có 1 chiếc xe máy nào đó đủ để tán gái, 1 chút vốn liếng gì đó thường để đi trăng mật này kia. Đại loại là hi sinh đời bố củng cố đời con.

Thế nhưng của cải không làm thì giàu đến mấy tiêu mãi cũng phải hết, nhất là trong thời điểm ma túy bán tràn lan như bây giờ. Những nhà khó không nói, nhưng những nhà có tiềm lực tài chính khủng khiếp, công ty này tập đoàn lớn nọ cũng dây chục phần trăm cổ phần, hay là những thành phần các sếp tai to mặt lớn cũng tích tích cóp cóp xong đưa cho các cậu ấm cô chiêu phá hộ. Ấy thế mà phá mãi chưa thấy ông đại gia nào phá sản phải cầm nhà vay ngân hàng tháo nợ nặng lãi cho con. Thế mới biết dân mình tiết kiệm và giàu kinh khủng đến thế nào.

Tiết kiệm rồi cho con cái ăn chơi là 1 thứ ngu xuẩn nhất tôi từng được biết. Dúi vào tay chúng nó cả chục triệu bạc tổ chức buổi sinh nhật chẳng bao giờ là vấn đề nhưng cuối cùng nhận con về trong tình trạng thân tàn ma dại. Vừa mất tiền vừa hỏng con mình. Nếu chưa bao giờ lăn lộn ra đường làm bục mặt ra để lấy được vài đồng bạc của thiên hạ thì lũ trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ biết được chúng nó đang ném qua cửa sổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha mẹ chúng.

Ngoài ra, việc tiết kiệm, tưởng rằng là tốt nhưng thực ra nó góp phần không nhỏ vào sự đình trệ của kinh tế. Tôi ko nói đến xa xỉ phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, tôi muốn nói tới những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, ngoài lương thực thực phẩm ra còn may mặc, giày dép, các hoạt động vui chơi giải trí… Người dân cầm tiền trong tay không dám mua những bộ quần áo mới, đôi giày mới, không dám xem chương trình ca nhạc yêu thích, không dám ăn những món ngon ở 1 nhà hàng lãng mạn nào đấy. Ai cũng khư khư giữ tiền trong người. 1 trường hợp như vậy thì không nói, đây là cả xã hội giữ tiền trong người. Ai cũng dễ dàng nhận thấy hàng bán ra chậm là có đủ thứ chi phí cộng dồn có liên quan như kho bãi, vận chuyển, mặt bằng, điện nước… Hàng bán càng nhanh thì độ dài vòng quay vốn lưu động để tái sản xuất càng được rút ngắn. Rõ ràng là của cải sẽ được sản xuất ra nhiều hơn. Tiền và hàng liên tục được ném vào thị trường, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất chỉ là chuyện 1 sớm 1 chiều. Đó chính là biện pháp không chỉ kéo chính nền kinh tế đang trong gia đoạn ảm đạm này đi lên mà còn là đòn bẩy giúp tăng trưởng chất lượng hàng hoá, cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cá nhân rất thích câu nói của 1 vị tiến sĩ :” Dân mình chỉ suốt đời chuẩn bị sống, chứ làm gì có ai sống 1 cách thực sự”. Đó chính là câu nói phản ảnh rõ nhất sự bất cập của việc tiết kiệm, thậm chí là tằn tiện. Không dám mua những món đồ mình thích, không dám đi du lịch, không dám tận hưởng thành quả lao động do chính mình làm ra, lúc nào cũng chờ giàu đã rồi sống cho sung sướng. Cứ chuẩn bị như thế rồi có mấy ai kịp tiêu xài, hoặc là tiêu xài khi mắt mờ chân chậm. Nhưng chết thì có mang của cải đi được đâu, rồi thì đời con mình cũng phải cho nó đi ra xã hội làm việc chứ cho nó cả cục tiền thì chả mấy mà hết.

Hà Nội, 18.06. 

Mùa thu và Hà Nội

Mùa thu Hà Nội có lẽ đã quá nhiều người nói đến từ thơ cho tới nhạc, hội họa, điện ảnh… Trong khuôn khổ bài viết này có lẽ chỉ đề cập đến 1 vài khía cạnh ít thấy được miêu tả của mùa thu và tất nhiên vẫn dưới góc nhìn hơi lệch lạc 1 chút.

Thu Hà Nội, nói đẹp thì cũng không hẳn. Mùa thu cho ta cảm giác u huyền tịch mịch, đất trời buồn bã, cảnh vật có chút gì đó màu xanh dương nhàn nhạt bàng bạc khi trời đổ nắng và sắc nâu trầm mặc của mái ngói phố cũ khi những cơn mưa ập tới. có vẻ trong lúc cảnh vật buồn bã đến thế lại là nguồn cảm hứng dồi dào cho các văn sĩ, nhạc sĩ sáng tác ra những tác phẩm để đời. Có lẽ chính vì họ, mùa thu Hà Nội mới có cái vẻ kì ảo và đầy lãng mạn.

Khi đọc, nghe và xem những tác phẩm của những văn nhân nhạc sĩ Bắc Hà ấy, trong tôi lại có một cảm giác không phục. Rõ ràng là khi ngày ngắn lại, đêm dài ra, người ta lại càng có nhiều suy tưởng, nhiều sự so sánh. Viết cái gì đó hay ho trong bóng chiều tà nhập nhoạng hơi se se man mát, mặc 1 chiếc áo sơ mi, đạp xe xuống phố cắm tai nghe nhạc… nghe đã thấy thiên thời địa lợi. Cũng không thể và chẳng bao giờ nên phủ nhận rằng những tác phẩm ấy là những tuyệt phẩm và sẽ còn được nhắc tới mỗi độ thu về.

Còn về phần tôi, mùa thu với tôi là cái gì đó đầy ắp kỉ niệm. Mùa tựu trường với những tà áo dài trắng, mùa của đôi lứa, mùa của những cảm xúc, những kỉ niệm đẹp đẽ và thuần khiết của mối tình đầu ngu dại. Ngoài những thứ đó ra, về mặt cá nhân mùa thu là một mùa không dễ chịu chút nào. Sáng có thể nắng nhè nhẹ, buổi trưa nắng gắt chiều có thể có mưa và tối thì chắc chắn là lạnh. Mưa dầm dề liên tục có thể từ ngày này qua ngày khác đem lại cái cảm giác lê thê đến bực mình. Lá rụng và hoa tàn ngập lối đi cũng tạo cho ta cái cảm giác xơ xác tiêu điều.

Thu Hà Nội gợi cảm theo kiểu ướt át, quyến rũ, vừa có chút gì đó sang trọng kiêu sa của kẻ có tiền vừa có chút gì đó lả lơi của những kẻ cố vớt vát nốt chút chói chang mùa hè. Có lẽ vì vậy nó hợp với người Hà Nội, những người kiếm ra tiền nhờ cơ chế thị trường và xã hội hiện đại, vừa muốn chống lại sự hiện đại hóa, vừa muốn lưu giữ những giá trị tinh thần và nếp sống xưa cũ. Tôi thỉnh thoảng vẫn gặp một nhóm ông già, cứ đêm thỉnh thoảng lại tụ tập nhau, 2 3 giờ mò ra đường đi uống rượu, đàn hát cho nhau nghe những khúc ca của Hà Nội ngày ấy. Các ông vừa hát vừa kể cho lớp trẻ chúng tôi những câu chuyện về cảnh vật và con người Hà Nội ngày trước và tất nhiên là sự chán nản về những giá trị nhân văn đang mai một trong lòng thủ đô.

Mùa thu Hà Nội hệt như hình ảnh những bà trẻ ngoài ba mươi thừa tiền thiếu tình cảm nhan sắc đang độ tàn phai. Có chút gì đó nồng cháy của mùa hạ, lại có chút gì se lạnh chớm đông. Tuổi trẻ chưa qua nhưng tuổi già đang dần dần ập tới. Có chút gì đó tiếc nuối, lại có chút gì đó sợ sệt lúng túng lại có một chút ít màu sắc vội vàng tô điểm phấn son.

Họ cũng biết rằng những giá lạnh đang chờ họ phía trước, nhưng chưa biết bao giờ. Khi nhìn lại phía sau thì cả một mùa hè cháy đỏ phượng nở đỏ rực tuổi học trò, bằng lăng tím ngắt màu xuân sắc thủy chung, sen hồng khi vào độ yêu đương.  

Rồi họ giật mình khi thấy hoa cúc vàng. Chắc chắn là như thế.

Hà Nội 1 ngày sau Tết diệt sâu bọ